Nhận biết và điều trị rách sụn chêm khớp gối 2
Rách sụn chêm là một trong những chấn thương thường hay gặp khi chơi thể thao, bị ngã hoặc bị tai nạn giao thông…. Là bộ phận dễ bị tổn thương nhất của khớp gối. Rách sụn chêm khớp gối khiến người đau, khó chịu, vận động khó khăn.
1. Vị trí của sụn chêm
Sụn chêm nằm ở trong khớp gối. Đây là một khớp phức hợp rất quan trọng, có vai trò chịu toàn bộ tải trọng của cơ thể. Ba loại xương cấu tạo nên khớp gối bao gồm: Xương bánh chè, đầu trên xương chầy và đầu dưới xương đùi. Sụn chêm nằm ở giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày, làm tấm đệm lót giữa 2 loại xương này.
Sụn chêm gồm 2 tấm:
- Sụn chêm trong nằm ở phía trong khớp, có hình chữ C
- Sụn chêm ngoài nằm ở phía ngoài khớp, có hình chữ O
Đặc trưng chung của sụn chêm là dai và có tính đàn hồi cao. Sụn chêm được chia làm 3 phần: sừng trước, thân giữa và sừng sau; bao gồm hai bờ là bờ bao khớp bám vào bao khớp và bờ tự do.
2. Vai trò của sụn chêm là gì?
Khớp gối chịu toàn bộ tải trọng của cơ thể nên cần có khả năng chịu lực lớn. Sụn chêm là bộ phận quan trọng tạo nên sự vững chắc của khớp gối. Vai trò của sụn chêm bao gồm:
- Giúp phân phối lực đều lên khớp gối
- Giúp khớp gối vững chắc
- Giúp hấp thụ lực, giảm xóc cho cơ thể khi di chuyển
- Giúp phân bố hoạt dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp, đảm bảo cho khớp hoạt động ổn định
- Tránh bao khớp và màng hoạt dịch không kẹt vào khe khớp
Rách sụn chêm khớp gối sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng vận động, đi lại của người bệnh.
3. Nguyên nhân gây rách sụn chêm
Sụn chêm có thể rách ở nhiều vị trí khác nhau như: rách sụn chêm ngoài, rách sừng trước, rách sừng sau, rách vùng có mạch nuôi, rách vùng vô mạch… Các hình thái rách sụn chêm cũng khác nhau, bao gồm: rách sụn chêm dọc, rách sụn chêm ngang, rách sụn chêm hình nan hoa, rách sụn chêm hình vạt, rách sụn chêm phức tạp…
- Rách sụn chêm ở trẻ em: thường xảy ra trong chấn thương thể thao, vui chơi, chạy nhảy hoặc tai nạn giao thông. Bị chấn thương trong trạng thái gối gấp đồng thời chân bị vặn xoắn có thể gây rách sụn chêm ở trẻ.
- Rách sụn chêm ở người lớn ngoài do chấn thương khi chơi thể thao, tai nạn giao thông còn có thể do thoái hóa, nhất là ở người già. Hoạt động đang ngồi ghế và đột ngột đứng lên trong tư thế chân hơi vặn cũng có thể khiến sụn chêm bị rách.
4. Dấu hiệu rách sụn chêm là gì?
Khi vừa mới rách sụn chêm, người bệnh vẫn có thể đi lại bình thường. Thậm chí, người bị chấn thương rách sụn chêm khi chơi thể thao vẫn có thể tiếp tục luyện tập, thi đấu. Cơn đau bắt đầu xuất hiện sau 2 – 3 ngày, đầu gối sưng dần lên, vận động khó khăn.
Dấu hiệu rách sụn chêm bao gồm:
- Có tiếng “nổ” khi sụn chêm bị rách
- Đầu gối đau và sưng
- Khớp gối bị kẹt
- Khi vận động cảm giác có tiếng lục cục trong khớp
- Gặp khó khăn trong đi lại, vận động
- Khó co duỗi khớp gối
- Cảm thấy đau nhức khi ấn vào khe khớp gối
Khi có những dấu hiệu trên, nhất là vừa có chấn thương, va chạm, bạn cần nghĩ ngay đến việc sụn chêm bị rách. Nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
Người bệnh nghi bị rách sụn chêm hoặc bị rách sụn chêm sẽ được thực hiện các phương pháp kiểm tra như:
- Chụp X quang: Quan sát hình ảnh khớp gối, đánh giá tình trạng xương khớp gối và sụn chêm
- Chụp cộng hưởng từ: Cho kết quả hình ảnh và chuẩn đoán chính xác hơn, chi tiết hơn về vị trí, tình trạng tổn thương của sụn chêm
- Nội soi: Quan sát khớp gối, nắm bắt được mức độ tổn thương của sụn chêm và các bộ phận cấu tạo của khớp gối.
Để lại một bình luận